19/10/2024 10:53

Vì sao nên tầm soát ung thư vú, dấu hiệu nào cảnh báo bệnh?

Chia sẻ tại chương trình tọa đàm trực tuyến chủ đề: "Tầm soát ung thư vú, biết sớm để chữa lành" do Tạp chí Gia đình Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Hà Nội tổ chức, Ths. BS CKII Đỗ Đức Linh - Khoa chẩn đoán hình ảnh và điện quang can thiệp - Bệnh viện Đa khoa Hà Nội cho biết, ung thư vú là căn bệnh gây tử vong hàng đầu trong số các loại ung thư ở nữ trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam.

“Phần lớn những triệu chứng của căn bệnh ung thư vú vào giai đoạn đầu thường không rõ ràng, khó nhận biết và dễ nhầm lẫn với những bệnh lý khác. Do vậy, người bệnh hay mang tâm lý chủ quan, khi phát hiện thì bệnh đã vào giai đoạn muộn.

Trong khi đó, ung thư vú nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu giúp cải thiện tỷ lệ chữa khỏi bệnh, tăng tỷ lệ điều trị tích cực có cơ hội sống trên 5 năm đến 90%”, bác sĩ Linh cho hay.

Vì sao nên tầm soát ung thư vú, dấu hiệu nào cảnh báo bệnh?

Ths. BS CKII Đỗ Đức Linh (thứ 2 từ phải sang) chia sẻ tại tọa đàm

Tuy nhiên, vì yếu tố tâm lý nên nhiều chị em phụ nữ còn e ngại, không đi khám sàng lọc để được phát hiện sớm nên không ít người tới bệnh viện khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn và tốn kém.

Do đó, tầm soát sớm ung thư vú sớm giúp phát hiện các căn bệnh ung thư từ giai đoạn mầm mống là cách tốt nhất giúp phòng và phát hiện sớm ung thư, khi bệnh chưa có biểu hiện hay triệu chứng nghiêm trọng, hoặc khi khối u còn rất nhỏ, chưa phát triển hay di căn ra các mô xung quanh..

“Tầm soát ung thư vú đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sống vì quá trình điều trị ở giai đoạn sớm thường đơn giản và ít tốn kém nhưng lại mở ra cơ hội sống cho những ai đang mang trong mình mầm bệnh ung thư vú”, bác sĩ Linh nhấn mạnh.

Thời điểm cần tầm soát ung thư vú ở nữ giới

Theo bác sĩ Đỗ Đức Linh, nữ giới từ 20 tuổi trở lên nên đi khám sàng lọc ung thư vú. Ngoài ra cần duy trì việc kiểm tra định kỳ hàng năm, cách nhau ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm. Sàng lọc ung thư sớm và đều đặn có vai trò rất quan trọng trong việc điều trị bệnh đạt hiệu quả cao.

“Ung thư vú là dạng ung thư tiềm ẩn, đa số người bệnh chỉ phát hiện ra khi triệu chứng đã trở nên nghiêm trọng. Lúc này bệnh đã tiến triển sang giai đoạn 3 – giai đoạn 4. Do đó, ngay cả khi “tưởng” cơ thể khỏe mạnh thì cần thực hiện ngay tầm soát ung thư vú ở nữ giới. Hoặc khi nhận thấy cơ thể có sự thay đổi bất thường cũng hết sức lưu tâm”, vị bác sĩ nhấn mạnh.

Vì sao nên tầm soát ung thư vú, dấu hiệu nào cảnh báo bệnh?

Tầm soát ung thư vú được coi như chìa khóa mở ra hy vọng cho người bệnh (Ảnh: BVCC)

Một số biểu hiện phụ nữ có thể theo dõi và nghi ngờ mắc ung thư vú:

- Đau tức vùng ngực khi không trong thời kỳ kinh nguyệt.

- Có u cục ở vú, hố nách có hạch nổi lên.

- Thay đổi bất thường ở đầu vú: lệch đầu vú, đầu vú teo và lõm xuống, hai đầu vú không cân đối.

- Chảy dịch ở núm vú, có thể chảy máu.

- Đau vai, lưng trên hoặc cổ.

- Ngực ửng đỏ, sưng đau.

“Việc tầm soát ung thư vú giúp chị em phụ nữ sớm biết nguy cơ ung thư vú của mình như thế nào, giúp phát hiện bệnh sớm để có kế hoạch điều trị phù hợp, an toàn, hiệu quả, bảo tồn được ngực.

Để tầm soát mang lại kết quả chính xác tối đa, chị em nên đến cơ sở y tế uy tín, có đầy đủ thiết bị, máy móc hiện đại, phục vụ cho quá trình tầm soát ung thư vú”, bác sĩ Linh nhắn nhủ.

Thúy Ngà

Tags:

Tầm soát ung thư vú

vài trò của tầm soát ung thư vú

biểu hiện ung thư vú

Thời điểm nên tầm soát ung thư vú

Tin cùng chuyên mục