09/10/2023 13:43

Thừa cân béo phì là bệnh phổ biến nhất ở học sinh TP.HCM

Thừa cân, béo phì, bệnh khúc xạ mắt, sâu răng... là các bệnh học đường phổ biến ở TP.HCM năm 2023. Chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại bệnh trên là thừa cân béo phì với 32,28%.

Những con số khiến phụ huynh lo ngại

Cách đây ít ngày, ngành giáo dục TP.HCM đã công bố nhiều thông tin về bệnh học đường, sức khỏe thể chất, tinh thần của học sinh tại TP năng động nhất cả nước.

Theo đó, hơn 98% trường học tại TP đã tổ chức kiểm tra sức khỏe ban đầu. Kết quả cho thấy bệnh thừa cân, béo phì ở học sinh chiếm tỷ lệ cao nhất với 32,28%, sau đó là bệnh khúc xạ về mắt 28,85%, sâu răng 23,23% và suy dinh dưỡng 4,58%.

Con số về tỷ lệ thừa cân, béo phì khiến nhiều phụ huynh lo ngại nhưng thực tế không phải bất ngờ. Tháng 12/2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã khẳng định thừa cân, béo phì chiếm tỷ lệ cao nhất (28,96%) trong số các bệnh tật học đường trên địa bàn.

Kết quả nghiên cứu tình trạng dinh dưỡng học sinh của HCDC với các bậc học sau 10 năm tại TP.HCM cũng cho thấy tỷ lệ học sinh thừa cân, béo phì chung là ở mức 43,7%, tăng gần gấp đôi so với 10 năm trước.

Là mẹ của một bé gái đang học lớp 4 với cân nặng 50kg, chị P.H. (TP Thủ Đức) rất nhiều lần muốn con giảm cân bằng cách giảm nước ngọt, giảm thức ăn nhanh. Tuy nhiên, bé rất thèm cánh gà rán, sẽ tủi thân khóc khi mẹ cấm ăn nên chị H. lại mủi lòng.

Thừa cân béo phì là bệnh phổ biến nhất ở học sinh TP.HCM

Trẻ cần tăng cường vận động và dinh dưỡng hợp lý. Ảnh: GL.

Thay vào đó, mỗi cuối tuần, chị H. đều đặn đưa con bơi để bé vận động thể lực. Buổi tối, nếu rảnh rỗi, bé sẽ được trượt patin hay chạy nhảy dưới công viên, phụ mẹ làm việc nhà.

“Bé chăm vận động chứ không phải lười biếng nhưng vẫn không giảm được cân, có lẽ do ăn nhiều quá. Tôi lo lắm vì con sắp đến tuổi dậy thì, tâm lý phát triển và sẽ mặc cảm”, chị H. lo lắng.

Tương tự, một người bạn của chị H. cũng có con trông mũm mĩm hơn bạn bè cùng lứa. Bé thường được mẹ thưởng ăn cánh gà, khoai tây, trà sữa khi có kết quả học tập tốt. Khi người mẹ có ý định kìm cân nặng cho con, bé lại nghĩ mẹ không thương mình. Kế hoạch của mẹ thất bại.

Trẻ có nguy cơ bị béo phì từ lúc mẹ mang thai

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế khẳng định cần phải có sự quan tâm sâu sắc hơn về thừa cân, béo phì trẻ nhỏ, vì đây là tương lai của đất nước. Đặc biệt, tình trạng này ở các thành phố lớn càng khiến bà lo ngại. Tỷ lệ thừa cân béo phì trong tuổi học đường ở TP.HCM đang cao gấp đôi so với tỷ lệ trung bình cả nước.

Chuyên gia này cho biết thừa cân, béo phì có rất nhiều nguyên nhân và tích luỹ lâu dài theo thời gian. Nền tảng ban đầu chính từ người mẹ khi mang thai. Mẹ béo phì hay tăng cân quá mức trong thai kỳ, đái tháo đường thai kỳ, trẻ không được bú sữa mẹ mà sử dụng sữ công thức một cách thiếu kiểm soát... là những yếu tố góp phần ảnh hưởng đến thừa cân, béo phì ở trẻ sau này.

Ở tuổi đến trường, phần nhiều trẻ ở thành phố có lỗi sống tĩnh, ít vận động, thời gian tiếp cận với màn hình rất nhiều, thời gian ngủ ít.

"Chúng ta luôn nói phải tăng cường cho trẻ vận động nhưng trường học lại không có không gian, rồi xu hướng ăn Tây hoá, chế độ ăn hàng ngày không phù hợp khiến cho việc kiểm soát thừa cân, béo phì ở trẻ em gặp rào cản. Những điều này chúng ta phải giải quyết ngay”, bác sĩ Mai nói.

Bà cũng cho rằng cần có những cuộc họp bàn tính về mặt quản lý vĩ mô, trong đó phải xem xét việc tính toán sẽ đưa những thực phẩm nào tiếp cận bàn ăn của đứa trẻ ở trường học cũng như bữa cơm gia đình.

Thừa cân béo phì là bệnh phổ biến nhất ở học sinh TP.HCM

Trẻ béo phì dễ trở nặng hơn khi mắc các bệnh như sốt xuất huyết, Covid-19... Ảnh: GL.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trẻ thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khi trưởng thành. Bệnh có thể nặng hơn do thời gian kéo dài, ảnh hưởng đến nội tiết và tâm lý của trẻ. Cụ thể, trẻ có thể gặp vấn đề về tâm lý, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, chuyển hóa bất thường glucose, rối loạn gan mật - đường ruột, khó thở khi ngủ.

Về mặt tâm lý, trẻ dễ bị tự ti do bạn bè trêu ghẹo, chế giễu, dẫn đến chán chường, không muốn đi học. Dần dần các em trở nên thụ động, thiếu linh hoạt và cô đơn vì không có bạn, lâu dài sẽ dẫn đến trầm cảm.

Tình trạng béo phì ở trẻ em thường kéo dài đến hết giai đoạn thiếu niên, ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không có các biện pháp kiểm soát việc ăn uống và vận động thể lực.

Các chuyên gia khuyến cáo cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cả ở trường học và ở nhà. Trẻ cần ăn đúng giờ theo bữa, đảm bảo đa dạng thực phẩm, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo lứa tuổi. Không cho trẻ ăn quá nhiều thức ăn ngọt (bánh kẹo, nước ngọt, chè, kem...), thức ăn béo (trà sữa, thức ăn nhanh, đồ chiên, xào, mỡ động vật...).

Phụ huynh không nên bắt trẻ học quá nhiều, cần tạo điều kiện để trẻ vui chơi vận động sau những giờ học căng thẳng. Trẻ có thể đi bộ đến trường, tham gia thể thao, phụ bố mẹ quét nhà, lau dọn nhà cửa...

Hạn chế cho trẻ ngồi lâu xem tivi, chơi trò chơi điện tử trên máy tính, điện thoại. Trẻ cần được ngủ đủ trung bình từ 8-10 tiếng mỗi ngày. Thường xuyên theo dõi cân nặng, chiều cao của trẻ để có biện pháp can thiệp kịp thời, dự phòng thừa cân béo phì.

Linh Anh

Thừa cân béo phì là bệnh phổ biến nhất ở học sinh TP.HCM

5 lý do khiến người ăn mãi không béo, người 'uống nước cũng mập'Do thể trạng khác nhau nên nhiều người ăn mãi vẫn không thể tăng cân còn có người cố gắng kiêng khem, luyện tập nhưng vẫn khó giảm cân.

Bình luận

Tags:

thừa cân béo phì

béo phì

bệnh học đường

trẻ em béo phì

dấu hiệu béo phì

hậu quả béo phì

TP.HCM

học sinh TP.HCM

Tin cùng chuyên mục