Rừng cây sản xuất bị gãy đổ sau mưa bão, bà con mong được hỗ trợ
Sau mưa bão, nhiều khu rừng sản xuất ở Bắc Giang trọc lóc, la liệt cây đổ, người dân vừa chuyển cây keo, bạch đàn gãy đổ đem bán, gỡ vốn. Dù là cây đem lại kinh tế song cũng tăng nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất.
Nhìn những cây gỗ thân chỉ to hơn cánh tay người lớn một chút, anh Khúc Văn Nho nói các cây chỉ 3 năm tuổi, bột ít, chất lượng kém, giá thấp - Ảnh: HÀ QUÂN
Vừa nhìn công nhân chất từng cây gỗ gãy đổ sau bão lên xe tải, anh Khúc Văn Nho, xã Vĩnh An (Sơn Động, Bắc Giang) vừa kể tranh thủ tạnh ráo, anh thuê người cắt bán cây gãy đổ, được đồng nào hay đồng ấy.
Tại sao cây cối gãy đổ trắng rừng?
Nhẩm tính với 5ha keo và bạch đàn, nếu đủ 4-5 năm, anh có thể thu về chừng 600 - 700 triệu đồng, nhưng vì bão, anh chỉ thu về 100 - 200 triệu đồng. Phần trả vay ngân hàng, phần khác dành mua cây giống trồng lại.
Anh Nho nhớ lại hôm bão về, gió rít từng cơn, mưa lớn trắng xóa, cây gãy đổ khắp đồi, lòng đau như cắt nhưng không làm gì được.
“Trước tôi trồng lúa, trồng sắn, rồi trồng tre nhưng không thoát nghèo. Sau này, tôi trồng keo, bạch đàn vì kinh tế hơn. Tôi mong nhà nước xem xét, hỗ trợ cây giống, kỹ thuật để trồng cây mới”, anh Nho bày tỏ.
Đây chỉ là một trong nhiều hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề sau mưa lũ ở huyện Sơn Động.
Nơi có trên 71% diện tích tự nhiên là rừng (trong đó 56% là rừng tự nhiên) bảo vệ môi trường, tạo ra lâm sản và giáp các cánh rừng lớn của hai tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Những cánh rừng đóng vai trò phòng hộ đầu nguồn, hạn chế nước lũ chảy xuống hạ nguồn Bắc Giang, Hải Dương, Bắc Ninh với dân số hàng triệu người.
Theo ghi nhận, nhiều ngọn đồi ở Sơn Động “trọc lóc” sau mưa bão. Máy xúc, xe tải nườm nượp chuyển các cây keo, bạch đàn gãy đổ rời đi.
Nhiều khoảnh đồi sót lại gốc cây khô. Những nơi rừng còn phủ màu xanh, cây cối gãy đổ la liệt. Một số nơi cây con được trồng nhưng toàn bộ thảm thực bì bị đốt trụi, tối đen cả vùng đất.
Sau cơn cuồng phong của bão số 3, hàng nghìn héc ta rừng trồng, rừng tự nhiên ở các huyện Sơn Động, Lục Ngạn... của Bắc Giang bị gãy đổ. Riêng Sơn Động, diện tích rừng trồng thiệt hại trên 18.000ha (hơn 27% tổng diện tích lâm nghiệp toàn huyện), trong đó hơn 6.100ha thiệt hại hoàn toàn (trên 70%). Nhiều nơi sạt lở, mất rừng, khả năng phục hồi thấp, thiệt hại ước tính hàng nghìn tỉ đồng - Ảnh: HÀ QUÂN
Theo UBND huyện Sơn Động, giai đoạn 2019-2023, tổng diện tích đất lâm nghiệp trên 61.000ha song nhiều nơi chỉ là rừng nghèo, chất lượng chưa cao, cây gỗ lớn ít, đa số rừng kinh tế trồng keo và bạch đàn. Diện tích rừng trồng đã thành rừng trước cơn bão số 3 (bão Yagi) khoảng 27.000ha.
Thực tế, địa phương có nhiều người trồng keo, bạch đàn trên đất rừng (trước đây là rừng tự nhiên) được chuyển đổi.
Những cây này sinh trưởng kém, dễ đổ gãy, sau vài năm (khoảng 4-5 năm) được chặt bỏ để lấy gỗ, muốn trồng lại phải đốt, dọn sạch thực bì như bụi cỏ, dây leo làm suy thoái đất, tăng nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất, nhất là nơi dốc cao.
Đây là điều được cảnh báo nhiều năm, cây keo dù đem lại kinh tế trước mắt song không giữ đất, không chặn nước lũ được. Ngoài ra, người dân trồng không đúng kỹ thuật, mật độ rất dày, không chăm sóc đầy đủ nên cây nhỏ, năng suất thấp.
Tái thiết rừng sau mưa lũ thế nào?
Về lâu dài, UBND huyện Sơn Động sẽ ưu tiên quy hoạch lại rừng sản xuất, trồng cây bản địa (lim xanh, thông, vối thuốc), cây gỗ lớn, đa tầng, tán lá rộng, thường xanh, lâu năm, sinh trưởng tốt, chống chịu gió bão, thích nghi với biến đổi khí hậu…
Huyện cũng yêu cầu các chủ rừng, chủ lâm sản khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; vận động người dân trồng cây bản địa, trồng rừng gỗ lớn...
Về lâu dài, cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu đề xuất thu hồi diện tích rừng sản xuất ở những vị trí trọng yếu để chuyển thành rừng phòng hộ nhằm phục hồi rừng tự nhiên, tăng hiệu quả kinh tế, tiết kiệm nguồn lực khắc phục hậu quả sau mưa lũ.
Để hỗ trợ bà con, nhiều phương án được tính đến như đề xuất nâng mức hỗ trợ bảo vệ rừng, để người dân xóa đói giảm nghèo, xử lý nghiêm đốt phá rừng hay truyền thông tới người dân về ý nghĩa bảo vệ rừng, làm giàu từ rừng, nhất là thế hệ trẻ…
Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư chế biến gỗ kết hợp lập hồ sơ quản lý rừng bền vững (FSC), để có thể xuất khẩu gỗ chế biến sang các thị trường yêu cầu nghiêm ngặt về bảo vệ rừng, chứng minh lâm sản có nguồn gốc rừng trồng.
Những mầm non mới đâm chồi trở lại sau mưa bão - Ảnh: HÀ QUÂN
Thủ tướng: Triển khai ngay bay flycam quét các điểm nguy cơ sạt lở để cảnh báo
Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện về việc khẩn trương khắc phục sự cố sạt lở tại tỉnh Hà Giang và ứng phó với nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét.
HÀ QUÂN
Tags:mưa lũ
mưa bão
bắc giang
sạt lở đất
rừng tự nhiên
Tin cùng chuyên mục