Nga lại đứng trước nguy cơ vỡ nợ
Khả năng Nga vỡ nợ lại một lần nữa xuất hiện và gây lo lắng cho giới đầu tư toàn cầu, trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của Mỹ chặn việc Nga thanh toán các khoản nợ trái phiếu bằng đồng USD thông qua các ngân hàng Mỹ...
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc họp với các quan chức an ninh hôm 1/4 - Ảnh: Sputnik/Reuters.
Theo hãng tin CNBC, biện pháp mà Bộ Tài chính Mỹ đưa ra vào hôm thứ Hai tuần này chặn Moscow thanh toán nợ trái phiếu chính phủ bằng số tiền dự trữ hơn 600 triệu USD mà Chính phủ Nga cất tại các định chế tài chính Mỹ từ trước. Cũng giống như các lệnh trừng phạt trước đó, biện pháp này nhằm buộc Nga hoặc phải rút tiền USD từ số dự trữ ngoại hối mà nước này còn kiểm soát được hoặc phải chấp nhận vụ vỡ nợ cấp quốc gia lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ.
Sự trừng phạt mà phương Tây đưa ra đối với Nga liên quan tới xung đột vũ trang Nga-Ukraine đã đóng băng toàn bộ dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) cất tại các ngân hàng Mỹ. Tuy nhiên, trước ngày thứ Hai tuần này, Bộ Tài chính Mỹ vẫn cho phép Moscow sử dụng dự trữ đó để thực hiện các nghĩa vụ thanh toán tiền lãi trái phiếu chính phủ phát hành bằng đồng USD theo từng đợt thanh toán cụ thể. Với lệnh cấm mới, việc Moscow rút dự trữ USD từ các ngân hàng Mỹ để thực hiện việc thanh toán này đã trở thành điều không thể.
“Kinh tế Nga đang đối mặt suy thoái, lạm phát tăng vọt, khan hiếm hàng hoá thiết yếu, và một đồng tiền không còn giá trị trên phần lớn thế giới”, một người phát ngôn của Bộ Tài chính Mỹ nói với CNBC ngày 5/4. Vị này nói thêm rằng một trong những hành động mạnh mẽ nhất trong số hơn 700 lệnh trừng phạt mà Mỹ đã áp lên Nga chính là các biện pháp nhằm vào CBR, với “sự phối hợp đa phương, tốc độ và ảnh hưởng chưa từng có tiền lệ”.
Hôm thứ Hai, Chính phủ Nga tới hạn phải trả 552,4 triệu USD tiền lãi đối với một lô trái phiếu đáo hạn năm 2022 và 84 triệu USD tiền lãi đối với một lô trái phiếu khác đáo hạn vào năm 2042. Những đợt trả nợ như thế này thường có thời gian ân hạn 30 ngày. Hiện chưa có thông tin gì về việc Nga đã thanh toán số nợ đáo hạn này hay chưa.
“Ngày hôm nay là thời hạn cho một đợt thanh toán nợ nữa của Nga. Từ ngày hôm nay trở đi, Bộ Tài chính Mỹ sẽ không cho phép thực hiện bất kỳ việc thanh toán nợ USD nào từ tài khoản của Chính phủ Nga tại các định chế tài chính Mỹ”, người phát ngôn của Bộ Tài chính Mỹ nói.
“Nga phải chọn giữa rút nốt phần dự trữ USD quý giá còn lại hoặc số USD mà họ mới có được, hoặc là vỡ nợ”.
Đến nay, Nga đã tránh được cảnh vỡ nợ cấp quốc gia, bất chấp các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây khiến CBR mất quyền tiếp cận với phần lớn dự trữ ngoại hối. Nga có khoảng 640 tỷ USD dự trữ ngoại hối, bao gồm cả ngoại tệ và vàng, nhưng đã không thể tiếp cận với khoảng một nửa dự trữ này.
Chiến lược gia Timothy Ash thuộc BlueBay Asset Management nhận định rằng động thái mới nhất của Fed sẽ đặt ra thách thức mới đối với Nga.
“Nga sẽ phải nghĩ dài và nghĩ khó, về việc họ có nên để xảy ra việc vỡ nợ quốc gia. Một sự kiện như vậy sẽ có ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến nền kinh tế Nga”, ông Ash nhận định trong một báo cáo.
“Trên thực tế, nếu không rút quân khỏi Ukraine, rất khó để Nga tránh được cảnh vỡ nợ, trừ phi nước này làm những việc kiểu như dùng máy bay để chở tiền mặt USD hoặc vàng đi trả nợ. Ngay cả trong trường hợp như vậy, khó có một ngân hàng quốc tế nào sẵn sàng cung cấp dịch vụ thanh toán để Nga trả cho trái chủ”.
Nếu Nga vỡ nợ, đây sẽ là vụ vỡ nợ trái phiếu chính phủ đầu tiên của Nga kể từ năm 1998, khi nước này vỡ nợ trái phiếu nội địa. Lần gần đây nhất Nga vỡ nợ trái phiếu quốc tế xảy ra vào năm 1918.
Tin cùng chuyên mục