'Lẹ lên Giỏi, tàu sắp chạy rồi'
Sau tiếng gọi ấy, ba và bác Mười vụt chạy xuống cầu thang một cách dứt khoát, không kịp ngoái đầu nhìn lại gia đình và mọi người.
Mỗi lần có dịp ra Bắc, tôi lại thu xếp để về thăm Nam Định, nơi tôi sinh ra và lớn lên cho tới khi 17 tuổi.
Đó là khu 3 tầng số 8 nằm trên đường Vụ Bản, cách ga xe lửa Nam Định khoảng 500m nhưng chỉ cách gác chắn cho tàu chạy ngang đường Vụ Bản 100m. Tuổi thơ của tôi gắn liền với những chuyến tàu chạy ngày, chạy đêm qua gác chắn tàu này.
Đêm đêm, không gian yên tĩnh, từ nhà tôi nghe rõ tiếng còi tàu báo hiệu rời ga hay chuẩn bị vào ga. Âm thanh đó trở nên gần gũi, quen thuộc khiến ai đi xa cũng thấy nhớ nhung da diết…
Ảnh minh hoạ
Rất nhiều chuyến tàu đã đi qua ký ức tuổi thơ của tôi như hình ảnh thân quen trong cuộc sống hàng ngày của gia đình lúc bấy giờ. Tuy nhiên, có một chuyến tàu mà tôi nhớ mãi vì nó diễn ra trong khoảnh khắc đặc biệt. Nó giống như những đoạn phim xúc động về đề tài chiến tranh, mang đậm tính lịch sử của đất nước. Bởi đó là cuộc chia ly không hẹn ngày gặp lại của ba tôi và gia đình.
Nhà tôi là căn phòng chỉ rộng 16m2, mỗi chiều 4m, phòng 15B - nằm ngay đầu cầu thang đi lên tầng 2 (lầu 1) của khu tập thể. Đây là nơi sinh sống của gia đình tôi gồm 6 thành viên: Ba má và 4 anh em. Do phòng ở chỉ có 16m2 nên khu tập thể có bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh chung cho 8 hộ gia đình. Đây là khu nhà của nhà máy dệt Nam Định, được xây dựng từ năm 1960.
Đầu năm 1970, ba được lệnh của Trung ương vào Nam công tác. Thời đó gọi là "đi B". Lúc đó ba đã 40 tuổi, là trưởng phòng tổ chức ở nhà máy dệt Tái Sinh. Ba được TP Nam Định điều động về đây năm 1967 (lúc đó gia đình tôi đi sơ tán ở làng Hoàng, cách TP Nam Định khoảng 6km).
Tôi là con trai lớn cũng mới 13 tuổi. Má tôi, 34 tuổi, đang có bầu út Nam. Ba đi vào Nam là thuộc đoàn cán bộ Dân chính, tức là không phải bộ đội trực tiếp tham gia chiến đấu mà làm nhiệm vụ về chính trị nhiều hơn.
Để chuẩn bị chu đáo cho chuyến đi, ba được tập trung lên tỉnh Vĩnh Phúc luyện tập leo núi, đeo ba lô nặng khoảng 30kg đi bộ, hành quân, học chính trị, sử dụng vũ khí… Vì thời điểm đó, đi B là đi bộ từ Quảng Bình vào Nam, vượt dãy Trường Sơn, qua đất Lào rồi tới Campuchia.
Thời gian huấn luyện khoảng 3 tháng. Sau khóa huấn luyện, ba được về phép mấy ngày thăm gia đình. Chỉ có 3 tháng huấn luyện, nhưng nhìn ba đen hơn, rắn chắc và giọng nói không pha tiếng Bắc như trước đây. Ba nói đặc tiếng Nam bộ. Ba giải thích đây là yêu cầu bắt buộc của tổ chức, vì có một số cán bộ sẽ được phân công về vùng địch, nếu nói pha giọng Bắc sẽ bị lộ và bị bắt. Thời gian nghỉ phép qua nhanh, ba lại lên đơn vị tập trung. Còn thời điểm cụ thể khi nào ba đi B thì không ai biết trước vì phải bí mật.
Một buổi trưa cuối hè, khoảng gần 11h, 4 anh em đang ngồi ăn cơm thì chợt nghe có tiếng chân người chạy ở cầu thang. Một chú bộ đội đầu đội nón tai bèo, thắt lưng đeo bao súng lục, thở hổn hển đứng ngay cửa phòng. Một thoáng bất ngờ, cả 4 anh em bỏ mâm cơm đứng dậy lao ra cửa: "Ba, ba về!".
Chuyến tàu quân sự chở đoàn cán bộ Dân chính của ba và bộ đội đi vào Nam, dừng tại ga Nam Định để tránh tàu. Thời gian tàu dừng chỉ 30 phút. Trong thời gian ngắn ngủi đó, ba quyết định xin phép trưởng đoàn là bác Mười Dẹo chạy về nhà, hy vọng gặp vợ và các con trước lúc lên đường.
Sau khi biết lý do vì sao ba xuất hiện đột ngột trước mặt anh em tôi, tôi sực tỉnh và hành động như theo bản năng. Tôi vác chiếc xe đạp phóng xuống cầu thang, nói với ba: "Con đi đón má".
Má lúc đó đang là cán bộ phòng Lao động - Tiền lương của nhà máy Dệt Nam Định, văn phòng làm việc cách nhà khoảng 1km. Quãng đường từ nhà đến chỗ má làm hôm nay sao dài thế. Rất may là má có mặt ở văn phòng. Khuôn mặt má biến sắc khi tôi thông báo tóm tắt vì sao tôi đến đón má. Khi 2 má con về đến nhà, ngay đầu cầu thang, trước cửa phòng nhà tôi, rất đông bà con hàng xóm nghe tin ba về đã đến hỏi thăm và chứng kiến cuộc chia tay đầy cảm xúc.
Ba đang chào tạm biệt mọi người, ôm các em tôi vào lòng, chuẩn bị ra ga vì tàu sắp chạy. Ba nghĩ má và tôi không về kịp. Sự xuất hiện của má thời điểm đó khiến ba cũng bất ngờ. Trước sự chứng kiến của rất nhiều người, cả ba, má đều không ai nói lên lời. Ba ôm má vào lòng, 2 tay choàng qua bờ vai của má, hôn lên 2 bên má. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy hình ảnh đó của ba má trong một thời khắc đặc biệt.
Hình ảnh một chú bộ đội ôm hôn người vợ đang mang thai sắp tới ngày sinh nở, xung quanh là 4 đứa con thơ và hàng xóm bịn rịn… để đi vào Nam chiến đấu hằn trong tâm trí tôi. Một hình ảnh mang nhiều cảm xúc trong giai đoạn lịch sử mà đất nước đã trải qua khiến tôi còn nhớ mãi.
Bất chợt lại có tiếng chân ai chạy lên cầu thang, một chú bộ đội đội mặc trang phục giống hệt ba, chạy lên đứng trước mặt mọi người thở hổn hển và nói: "Lẹ lên Giỏi, tàu sắp chạy rồi". Thì ra, đó là bác Mười Dẹo, trưởng đoàn, còn ba là phó đoàn. Hồi đơn vị cho nghỉ phép, bác có đến nhà tôi chơi nên bác còn nhớ đường tới nhà. Ngồi trên tàu, bác nóng ruột, sợ ba không ra kịp. Tàu chạy thì bác cũng có phần trách nhiệm, nên bác cũng chạy lại nhà để hối ba ra ga cho kịp tàu.
Ba và bác Mười vụt chạy xuống cầu thang một cách dứt khoát, không kịp ngoái đầu nhìn lại gia đình và mọi người.
Mọi người sững sờ, cảm giác hụt hẫng như đang xem phim đến đoạn cao trào thì cúp điện. Bất chợt tôi nói với má: "Má! Má ra gác chắn xem tàu của ba chạy qua". Mấy má con dắt díu nhau đi bộ ra gác chắn để đứng nhìn tàu chạy qua, cũng không hy vọng sẽ nhìn thấy ba, vì đâu có biết ba ngồi toa nào.
Mấy má con vừa ra đến gác chắn thì cũng là lúc tại sân ga, đoàn tàu kéo một hồi còi dài, rồi từ từ chuyển bánh. Khoảng hơn 1 phút sau, đoàn tàu quân sự mười mấy toa chở toàn bộ đội đi ngang gác chắn.
Hình như ba cũng có linh cảm là mấy má con sẽ ra gác chắn để được nhìn thấy ba khi tàu chạy qua. Chính vì vậy, ba không ngồi trong toa mà đứng ngay bậc lên xuống tại điểm nối 2 toa. Gác chắn chỉ cách đoàn tàu khoảng 6m nên má và mấy anh em tôi đều nhìn thấy ba, ba cũng nhìn thấy rõ vợ con.
Khi toa tàu của đơn vị ba đi ngang gác chắn, ba một tay nắm tay vịn, một tay vẫy chào, người nhoài ra phía trước như muốn gần hơn, gần hơn nữa vợ con mình trong thời khắc ấy.
Đoàn tàu đã đi qua, gác chắn được kéo lên, mọi người hối hả qua lại, chỉ có mấy má con vẫn đứng nép sát bên đường nhìn theo cho tới khi đoàn tàu nhỏ dần, nhỏ dần và toa cuối cùng chỉ còn là 1 chấm nhỏ, rồi biến mất.
Tôi không nhớ là mấy anh em có khóc hay không. Nhưng nhìn má, tôi thấy mắt má đỏ hoe. Chúng tôi còn quá nhỏ để cảm nhận được cuộc chia ly này. Nhưng đối với má, thực sự là không dễ gì diễn tả nổi cảm xúc khi tiễn chồng mình ra mặt trận khi chuẩn bị đến ngày sinh nở và không biết có còn được gặp lại…
Dù đã 53 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ rõ từng chi tiết của chuyến tàu năm ấy. Tôi thấy mình nên kể lại câu chuyện này cho các thế sau. Cho dù mỗi người sẽ có cảm nhận khác nhau, nhưng tôi tin rằng, ai cũng tự hào và hiểu rằng để có cuộc sống yên bình ngày hôm nay, đất nước và gia đình đã trải qua những giai đoạn khó khăn, thử thách nhưng chứa đầy những cung bậc cảm xúc khó quên.
Đi qua những năm tháng, mỗi người đều mang theo mình vô vàn ký ức. Ký ức đó có thể là tình yêu quê hương cháy bỏng, một mảng mơ hồ, mộng mị của tình yêu đôi lứa, hoặc khoảng lặng nhớ về một người, một thời gian khó... Tất cả ký ức vui buồn ấy sẽ sống lại qua tuyến bài Hồi ức thế hệ 5X - 8X.VietNamNet mời độc giả thế hệ từ 5X đến 8X gửi chia sẻ về ký ức của mình đến email: bandoisong@vietnamnet.vn. Những bài có nội dung hấp dẫn, cảm động sẽ được đăng tải trên VietNamNet.Trân trọng cảm ơn! |
Đặng Ngọc Tuấn
Đang ngồi bóc lạc mẹ bật dậy: 'Đúng là con rồi, vẫn còn lành lặn'
Sau chiến thắng trên mặt trận biên giới Tây Nam, tôi được thưởng nghỉ phép về quê ăn Tết năm 1980. Đó là cái Tết vui nhất trong đời tôi.
Chuyện 'chấn động' ở vùng đất trung du thập niên 60
Đêm đó và 2 đêm sau, nhà tôi đông vui như hội. Già trẻ, gái trai chăm chú nghe các chương trình của đài đến tận khi phát thanh viên nói: “Buổi phát thanh đến đây là hết. Thân ái chào các bạn”.
Bình luận
Tags:Chuyến tàu
chuyến tàu đi B
ký ức
ký ức chuyến tàu
ký ức gia đình
ký ức tuổi thơ
Tin cùng chuyên mục